Thân phận tranh luận Hiếu_Từ_Cao_Hoàng_hậu_(Thanh_Thái_Tổ)

Việc Mạnh Cổ Triết Triết sinh thời có được phong Đại phi (大妃) hay không vẫn đang được các sử gia tranh luận, vì xét trình tự thời gian, bà qua đời sớm hơn Kế phi Phú Sát Cổn Đại những 17 năm. Kế phi mắc tội nên bị phế và ban chết năm Thiên Mệnh thứ 5 (1620), vào năm Mạnh Cổ Triết Triết qua đời, Phú Sát Cổn Đại vẫn chưa bị phế nên về lý, Mạnh Cổ Triết Triết không thể là Đại phi. Tuy nhiên, căn cứ vào việc Phú Sát Cổn Đại được an táng tại thành Hách Đồ A Lạp, có thuyết cho rằng bà đã mất vào trước năm Thiên Mệnh thứ 4 (1619), khi đó Hậu Kim vẫn đang định đô tại đây[4].

Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý là ở xã hội Mãn Châu trước khi nhập quan, quý tộc thừa hành chế độ [Một chồng, nhiều vợ, nhiều thiếp], một lúc có thể có hơn 1 chính thất và tất cả đều xưng là Phúc tấn. Trong chế độ này, giữa các Phúc tấn với nhau không phân biệt Đích-thứ rõ rệt, nếu cùng là Phúc tấn (có cưới gả đàng hoàng) thì được xem như nhau, con cái sinh ra cũng đều có quyền thừa kế. Nhân tư liệu lịch sử khuyết thiếu, giới giáo dục Trung Quốc hay đem chuyện Đích-thứ thuần Trung Nguyên mà lý giải địa vị các Phúc tấn thời trước Thanh, dẫn đến nhiều nhầm lẫn. Hơn nữa, thời điểm bà qua đời thì Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn chưa xưng Đại hãn. Khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi Đại hãn, lập nên Hậu Kim, chính thê của Đại hãn được gọi là Đại Phúc tấn (大福晋), còn lại xưng là Trắc Phúc tấn (侧福晋) và Thứ Phúc tấn (庶福晋), lúc này Đích-thứ khác biệt mới hình thành.

Sách Mãn Châu thực lục (满洲实录) hoàn thiện thời Hoàng Thái Cực, ghi lại Mạnh Cổ Triết Triết có danh xưng [Dulimbai amba fujin], tức Trung thất Đại Phúc tấn (中室大福晋). Còn sách Thanh sử cảo viết:「"Hiếu Từ Hoàng hậu (ý chỉ Mạnh Cổ Triết Triết) băng, lập (A Ba Hợi) làm Đại phi"」[5][6]. Như vậy có thể thấy rõ, vị thế Mạnh Cổ Triết Triết chính là Đại Phúc tấn, không kém gì Cổn Đại hay A Ba Hợi.

Liên quan